Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Những khó khăn khi học tiếng Anh của trẻ em

Sự hiểu biết và trợ giúp kịp thời của bố mẹ sẽ giúp bé nhanh chóng khắc phục và phát triển vốn tiếng Anh vững chắc hơn.

Tiếng Anh đã trở thành một phương tiện quan trọng trong thời đại hội nhập hiện nay. Kéo theo đó, nhu cầu cho con em mình sớm tiếp cận tiếng Anh đã trở thành một trào lưu cực phổ biến. Viễn cảnh bé ở nhà nói tiếng Anh líu lo và phát triển thành một người thông thạo tiếng Anh là điều mà ai cũng mong muốn và hướng tới.

Tuy vậy, thực tế thường sẽ không dễ dàng như mong đợi. Cũng giống như việc học bơi sẽ phải sặc nước, học viết sẽ phải lem mực, việc các bé gặp vấn đề trong quá trình học tiếng Anh là không thể tránh khỏi. Lúc này, sự hiểu biết và trợ giúp kịp thời của bố mẹ sẽ giúp bé nhanh chóng khắc phục và phát triển vốn tiếng Anh vững chắc hơn.

Bài viết sẽ điểm qua những vấn đề phổ biến nhất mà các bé thường gặp trong quá trình học, cũng như lí do và phương án giúp bé khắc phục nhanh nhất.

Những khó khăn khi học tiếng Anh của trẻ em


Không nhớ từ vựng

Đây là vấn đề cơ bản nhất mà các bé thường gặp phải. Kể cả theo một thời gian dài, việc bé không thể nhớ được từ vựng vẫn sẽ xảy ra thường xuyên. Điều này có liên quan đến phương pháp học cũng như tâm lí học của trẻ.

Về nguyên nhân tâm lí, thường việc không nhớ từ vựng xuất phát từ tâm lí lơ là hoặc chủ quan trong việc học tiếng Anh của bé. Có những bé được học tiếng Anh từ sớm, hoặc được bố mẹ dạy tiếng Anh bằng những phương pháp khác so với việc học tiếng Anh truyền thống tại trường, khiến cho bé không coi trọng cách học hiện tại. Cũng có khả năng, bé không có hứng thú với việc học tiếng Anh , dẫn đến việc học và nhớ từ một cách qua loa, không đưa được từ vựng vào sâu trí nhớ. Đây là những điều mà bố mẹ cần quan tâm và hỗ trợ bé kịp thời, vì nó dễ dẫn đến việc bé chán ghét tiếng Anh.

Về nguyên nhân phương pháp học, có rất nhiều lí do dẫn đến việc bé không nhớ được từ vựng. Thường vấn đề chủ yếu của các bé là phương pháp học không chặt chẽ, không giúp bé luyện tập và sử dụng được vốn từ vựng đã học. Ví dụ như bé chỉ được học từ vựng trên lớp, nhưng không có bài tập để sử dụng những từ vựng đó, khiến cho số lượng từ vựng có thể nhớ sau giờ học sẽ giảm dần. Đi xa hơn, có thể là bé chỉ được sử dụng tiếng Anh trong giờ học, và sau giờ học thì toàn bộ tiếng Anh được cất qua một bên. Với tình trạng này, không chỉ các bé mà cả người lớn cũng sẽ bị mai một đi vốn từ vựng của mình.

Cũng có nguyên nhân khác dẫn đến việc bé khó nhớ từ vựng đến từ phương pháp học. Có thể là số lượng từ vựng mỗi lần học của bé quá nhiều, dẫn đến quá sức cho bé khi ghi nhớ vào đầu. Hiếm hơn thì có thể bé quá lệ thuộc vào việc sử dụng từ điển, khiến cho ý thức cố gắng ghi nhớ từ vựng của bé bị giảm sút mà có thể bé không nhận ra được. Điều này cũng sẽ khá phiền phức nếu trở thành thói quen lâu dài.

Để khắc phục được vấn đề đến từ phương pháp học , cách tốt nhất là bố mẹ cần tiến hành đo lường trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, với mỗi một từ mới thì bé cần học lại bao nhiêu lần thì nhớ hoàn toàn, bé cần làm bao nhiêu bài tập thì nhớ được hoàn toàn, thời gian cách nhau giữa thời điểm bé học từ mới và thời điểm bé được vận dụng từ mới vào tình huống giao tiếp tiếng Anh thực tế là bao lâu thì tốt nhất…

Song song với đó, bố mẹ phải tìm ra được phương pháp học nào là phù hợp với bé nhất, ví dụ bé sử dụng flashcards so với làm bài tập nối từ với nghĩa, thì phương pháp nào sẽ hiệu quả hơn. Lí tưởng nhất ở đây, là bố mẹ giúp bé đề ra được phương án kết hợp ít nhất 2 phương pháp học từ vựng, giúp môi trường luyện tập và sử dụng từ vựng tiếng Anh của bé phong phú hơn và ghi nhớ tốt hơn.

Phát âm sai

Thực ra thì đây không phải là vấn đề mà chỉ có các bé gặp phải. Bạn có thể bắt gặp những người lớn phát âm tiếng Anh sai hàng ngày. Và thực tế, vấn đề này phần lớn đến từ người dạy hoặc môi trường học tiếng Anh của bé.

Vấn đề phát âm sai trong môi trường học đường ở Việt Nam đã không còn là vấn đề mới lạ nữa. Chuyện người này phát âm sai và sau đó chỉ lại cho người khác cùng phát âm như vậy cũng là tình huống rất phổ biến. Cách tốt nhất và nhanh nhất để giải quyết vấn đề này, là luôn tham khảo kĩ cách phát âm trong từ điển khi học để đối chiếu. Sẽ rất lí tưởng nếu bố mẹ trang bị cho bé các loại Kim từ điển, hoặc cài đặt các phần mềm học tiếng Anh online trên máy, giúp bé có thể nhanh chóng tự tham khảo phát âm bất cứ lúc nào.

Một điều quan trọng hơn nữa, bố mẹ cần tạo được môi trường nói tiếng Anh để bé luôn được ứng dụng tiếng Anh vào thực tế, giúp ổn định và phát triển tốt phát âm của mình nhé.

Không tự nói được ý của mình

Thật ra thì đây là một vấn đề mang tính “tiến hoá”, dưới điều kiện bé đang có vấn đề về việc nhớ từ vựng, cộng với tâm lí e ngại hoặc không dám nói, dẫn đến khả năng trình bày bằng tiếng Anh gặp trở ngại.

Với vấn đề này, điều kiện tiên quyết là bố mẹ phải giúp bé cải thiện việc học và nhớ từ vựng tiếng Anh. Bé cần phải có vốn từ cơ bản thì mới có thể xâu chuỗi lại ý mình muốn diễn đạt.

Song song với đó, tốt nhất là bố mẹ cần tạo ra môi trường nói tiếng Anh cho bé, giúp bé quen dần với việc sử dụng tiếng Anh trong tình huống thực tế. Có thể những lần đầu, bé sẽ vẫn bỡ ngỡ và không nói được nhiều. Nhưng bố mẹ đừng lo lắng, vì bất cứ điều gì cũng cần phải luyện tập mà. Chỉ cần bé có thể vượt qua trở ngại ban đầu, thì chuyện bé có thể nói tiếng Anh líu lo chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Chán nản, ghét tiếng Anh

Đây chính là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà các bé có thể gặp phải. Có thể vì bản thân bé không có chút nào hứng thú với một ngôn ngữ mới. Tuy vậy, phần lớn vấn đề này đến từ một quãng thời gian dài gặp khó khăn khi học tiếng Anh, cũng giống như bất cứ một môn học nào khác.

Mấu chốt xử lí vấn đề này, chính là bố mẹ cần tìm hiểu được chính xác lí do vì sao bé không thích học tiếng Anh. Nếu vì bản thân bé vốn không có hứng thú, bố mẹ có thể tìm các hình thức khơi gợi cảm hứng cho bé như các cuốn t ruyện tranh hoặc truyện chữ đơn giản bằng tiếng Anh , hoặc các đoạn phim tiếng Anh có nội dung hấp dẫn nhưng tiếng Anh lại đơn giản chẳng hạn.

Còn nếu sự chán ghét tiếng Anh này đến từ việc gặp khó khăn khi học trong một thời gian dài, vậy thì sẽ cần bố mẹ phải bỏ ra một phen tâm sự và đánh giá tình trạng học tiếng Anh hiện tại của bé rồi. Mấu chốt là, bạn phải biết được điểm bất hợp lí nào đang tồn tại giữa khả năng học tiếng Anh của bé và phương pháp học tiếng Anh bé đang theo. Từ đó, chúng ta lại sửa đổi hoặc đưa ra những phương án thay thế, miễn sao giúp bé có hứng thú và tiến bộ nhất trong quá trình học tiếng Anh.

Và luôn nhớ, điều quan trọng nhất là cần phải để bé thoải mái và thực sự hứng thú với tiếng Anh. Bố mẹ đừng nên ép buộc hay yêu cầu bé phải tiếp tục việc học khi bé vẫn đang gặp khó khăn. Hãy bỏ thời gian ra để tìm hiểu, thì kết quả học tiếng Anh của bé chắc chắn sẽ thay đổi tích cực hơn rất nhiều đấy.
>> Nguồn: antoree.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét