Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Đánh gục tâm lý sợ nói tiếng Anh của người Việt


Dù được học tiếng Anh trong nhiều năm nhưng chúng ta luôn cảm thấy khó khăn, và e sợ khi buộc phải giao tiếp hay sử dụng ngôn ngữ này một cách thành thạo. Thậm chí nhiều người sau khi dành cả 10 năm để học tiếng Anh, có vốn từ vựng kha khá và nắm chắc tất cả các quy tắc ngữ pháp cũng không tránh khỏi những khó khăn khi nói, giao tiếp bằng tiếng Anh ở một số tình huống trong cuộc sống. Vậy nỗi sợ này đến từ đâu và làm sao chúng ta vượt qua được nó để có thể giao tiếp với người khác hiệu quả hơn? Hãy đọc bài viết dưới đây để biết câu trả lời nhé!

Đánh gục tâm lý sợ nói tiếng Anh

Tại sao chúng ta sợ nói tiếng Anh?

Trước hết để vượt qua được tâm lý sợ nói tiếng Anh, bạn cần phải hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ đó của mình. Một khi đã tìm ra nguyên nhân chúng ta sẽ dễ dàng có được cách giải quyết. Với những người học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ mới nói chung, chúng ta thường cảm thấy sợ khi phải nói tiếng Anh vì những lý do sau đây:

1. Ngại nói

Rất nhiều người trong chúng ta ngại khi giao tiếp với người khác. Chúng ta thà dành một buổi tối yên tĩnh để đọc sách hơn là ra ngoài hay đi party. Có thể là vì sợ trò chuyện với người lạ. Nhưng cũng có thể là vì không có nhu cầu giao tiếp với bất kỳ ai (nhất là những người hướng nội – introvert). Dù là nguyên do gì thì việc không chủ động trò chuyện với người khác sẽ là một hạn chế khiến khả năng nói tiếng Anh khó được cải thiện.

 2. Vốn từ vựng không đủ nhiều

Đây có lẽ là cái cớ mà nhiều người vin vào nhất khi họ không nói tiếng Anh. Tất nhiên là bạn cần biết một số từ vựng nhất định trước khi bắt đầu nói, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải chờ cho đến khi vốn từ của mình thật nhiều rồi mới giao tiếp tiếng Anh với người khác. Về cơ bản, chúng ta chỉ cần biết một số câu nói đơn giản là đã có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện rồi.

3. Sợ mắc lỗi

Đa phần người học tiếng Anh ngại nói vì họ sợ sai. Họ không tự tin, xấu hổ và mất bình tĩnh mỗi khi phải nói bằng tiếng Anh. Nguyên nhân chính là vì họ chưa rèn được cho mình phản xạ nói tự nhiên nên mỗi khi giao tiếp với người khác họ sẽ thấy lúng túng và không biết nên trả lời như thế nào. Một số khác có thể rất muốn thực hành tiếng Anh nhưng nỗi sợ sai lại ngăn họ lại. Họ không tự tin vào khả năng ngoại ngữ của bản thân và sợ người khác thấy thiếu sót của mình.

4. Luôn lo lắng, căng thẳng

Đây là một trạng thái tâm lý bình thường mà ai cũng từng gặp phải. Tuy nhiên có một số người, mức độ lo lắng và căng thẳng sẽ cao hơn. Chưa bàn đến việc học ngoại ngữ, trong cuộc sống hằng ngày, những người này thường tỏ ra khó chịu, bồn chồn và khó kiểm soát được bản thân. Nguyên nhân của những trạng thái căng thẳng, lo âu này có thể xuất phát từ các yếu tố sinh học như di truyền, cơ thể suy nhược hay từ các yếu tố ngoại cảnh như môi trường sống,…

Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh?

Đánh gục tâm lý sợ nói tiếng Anh


1. Chấp nhận rằng sợ hãi là điều bình thường và bạn cần có đủ can đảm để đối mặt với nó

Chúng ta luôn nghĩ rằng những người đã giỏi rồi thì sẽ không cảm nhận được nỗi sợ khi phải nói tiếng Anh, và rằng một ngày nào đó khi tiếng Anh của mình đủ tốt chúng ta sẽ không còn thấy sợ nữa. Nhưng sự thật là những người thành thạo tiếng Anh hay thậm chí những người bản ngữ cũng có thể mang trong mình nỗi sợ khi phải giao tiếp với người khác. Sợ hãi là một phần của cuộc sống. Chúng ta sợ thật nhiều điều chứ đâu có riêng gì việc nói tiếng Anh. Bạn đã từng sợ nói trước đám đông chưa? đã từng run bần bật khi ngồi trong phòng phỏng vấn? đã từng ấp a ấp úng khi trò chuyện với cô gái mà mình đã thầm thương trộm nhớ từ rất lâu? Đấy, chúng ta sợ đủ thứ trên đời và tất nhiên đấy là một tâm lý bình thường mà ai cũng từng ít nhất dăm ba lần trải.  Nhưng để đi xa hơn chúng ta cần học cách đối mặt với những nỗi sợ đó. Mình rất thích câu nói này của Turgot : “Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy.”

Hãy bước ra ngoài vùng an toàn của mình ngay thôi! Hãy tự hỏi bản thân, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu chúng ta nói tiếng Anh là gì. Khi bạn đã thật sự nghĩ đến điều tội tệ nhất, bạn sẽ thấy chúng chẳng có gì đáng sợ cả.

“Life begins at the end of your comfort zone.”

–Neale Donald Walsch

2. Chấp nhận rằng lỗi sai và những thử thách bạn đối mặt là một phần quan trọng trong hành trình học ngoại ngữ

Okay, chẳng có ai muốn mắc lỗi cả. Việc mắc lỗi khiến chúng ta cảm thấy thiếu tự tin và đôi khi là nguyên nhân làm nhiều người bỏ cuộc. Từ thuở còn nhỏ chúng ta đã được dạy rằng mắc lỗi là một điều không tốt, chúng ta phải tránh mắc lỗi. Nhưng bạn biết đấy, chúng ta trưởng thành lên từng ngày là nhờ việc mắc lỗi và học hỏi kinh nghiệm từ những lỗi lầm đó. Có một nỗi sợ vô hình mà chúng ta luôn bị ám ảnh là sợ bị người khác chê cười khi ta mắc lỗi. Nhưng tin mình đi, sẽ chẳng ai cười khi bạn mắc lỗi lúc học ngoại ngữ đâu.

Ừ thì đúng là khi tham gia một kỳ thi hay trình bày một bài thuyết trình trước đám đông, bạn cần nói chính xác và trôi chảy. Nhưng trong các tình huống khác, bạn hoàn toàn có thể mắc lỗi. Thực ra khi trò chuyện, người nghe chủ yếu sẽ chỉ tập trung vào nội dung của cuộc đối thoại – họ tiếp nhận thông tin chứ chẳng có ai chăm chăm để ý đến lỗi sai của bạn. Trừ khi những lỗi sai này ảnh hưởng đến nội dung và ý nghĩa của những gì bạn đang nói – Trường hợp tệ nhất có thể xảy ra là người đó sẽ yêu cầu bạn nhắc lại. Mà việc được yêu cầu nhắc lại thì đâu có gì đáng sợ, đúng không?

Nhưng hãy nhớ rằng, điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể lờ đi những lỗi mà mình mắc phải khi nói (lỗi phát âm, ngữ pháp,..). Thay vào đó, hãy chấp nhận những lỗi đó như là một phần không thể thiếu khi học ngôn ngữ và tìm cách khắc phục chúng.

“One of the basic rules of the universe is that nothing is perfect. Perfection simply doesn’t exist…..Without imperfection, neither you nor I would exist”

― Stephen Hawking

3. Thay đổi hướng tập trung của bạn

Bạn có biết rằng việc lo lắng hay sợ hãi khi nói tiếng Anh không phải là vì khả năng tiếng Anh của bạn yếu. Nó liên quan đến vấn đề tâm lý nhiều hơn. Bạn tập trung quá nhiều năng lượng vào những suy nghĩ tiêu cực trước/ trong khi nói. Bạn sợ mình mắc lỗi, sợ người ta sẽ đánh giá mình. Và tất nhiên khi tất cả sự tập trung của bạn đều hướng đến việc lo lắng, sợ hãi thì làm sao nói trôi chảy cho được. Bây giờ, hãy dẹp cái tôi sang một bên và nói chuyện, chia sẻ chân thành với người khác. Hãy tập trung vào những gì bạn muốn nói với người đối diện và tận hưởng những khoảnh khắc đó thay vì mải mê lo lắng mấy lỗi sai nhỏ nhặt của mình.

Đồng thời hãy kết hợp với các hoạt động khác nhau để nâng cao khả năng tập trung như thiền, yoga, chạy bộ,.. Những hoạt động này đi kèm với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp bạn ngăn chặn được các trạng thái như căng thẳng, lo âu, và mất tập trung. Nhờ đó bạn sẽ có thêm tự tin để nói tiếng Anh trong bất kì trường hợp nào.

4. Làm chủ những cụm từ thiết yếu nhất

Có một số cụm từ (được gọi là Survival Words) mà bạn cần phải biết và nói trôi chảy trước khi bắt đầu bất kỳ một cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh nào. Chẳng hạn như:

“Sorry?” “I don’t understand” khi bạn không hiểu điều gì đó
“Can you repeat please?” và “Can you speak slower?” khi bạn nghe không rõ
Khi muốn biết nghĩa của một từ/ cụm từ, hãy hỏi “ What does that mean?”
Khi không biết một từ/ cụm từ, hãy hỏi “How do you say … in English?”

5. Thành thạo các câu chào hỏi, tạm biệt

Một trong những cách nhanh nhất giúp bạn vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh là hãy thực hành sử dụng thành thạo các cụm từ chào hỏi và tạm biệt. Việc nói những câu chào hỏi trôi chảy sẽ tạo ra một ấn tượng ban đầu tốt đẹp với người đối diện và nhờ đó bạn cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn để tiếp tục cuộc chuyện trò. Cũng tương tự như vậy, khi bạn nói tạm biệt một cách tự tin và thoải mái, bạn sẽ để lại ấn tượng tốt cho người đối diện sau khi cuộc trò chuyện kết thúc.

Chỉ với những cụm từ chào hỏi như ‘What’s up?” “What’s going on?” “How have you been?” là bạn đã có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện với người khác tự nhiên, thân thiện rồi.

6. Luyện nói trước gương

Một cách hiệu quả để đập tan nỗi sợ nói của bạn là hãy thực hành nói tiếng Anh trước gương mỗi ngày. Việc nói trước gương sẽ giúp bạn quan sát và tự điều chỉnh khẩu hình miệng, cũng như ngôn ngữ hình thể của mình sao cho tự nhiên nhất. Bạn có thể dành ra vài chục phút mỗi ngày để nói về một chủ đề bất kỳ hay kể lại một câu chuyện. Hãy tưởng tượng mình đang ở trong một tình huống cần nói tiếng Anh, lúc đó bạn sẽ nói gì, người đối diện sẽ hỏi gì bạn và bạn sẽ trả lời họ ra sao. Trong trường hợp bí từ, hãy cố gắng diễn đạt lại ý của bạn theo một cách khác.
Sau một thời gian làm quen với việc nói tiếng Anh, bạn có thể luyện nói với bạn bè, hay người thân của mình. Bạn sẽ thấy mình vô tư, thoải mái nói những gì mình thích, không sợ người nghe phán xét hay chê cười. Và đặc biệt họ sẽ giúp bạn chỉ ra những lỗi sai mà bạn mắc phải để giúp bạn tiến bộ hơn.

7. Hát tiếng Anh

Hát cũng là một cách hiệu quả để giúp bạn tự tin nói tiếng Anh. Hãy bắt đầu với những bài hát đơn giản mà bạn yêu thích. Việc thường xuyên luyện hát các bài hát tiếng Anh sẽ giúp bạn hoàn thiện phát âm của mình đồng thời nhờ đó, bạn cũng sẽ quen dần với việc nói bằng tiếng Anh. Nếu bạn chưa biết luyện nói tiếng Anh qua bài hát như thế nào, hãy đọc bài viết này nhé!

8. Luyện nghe thật nhiều

Để có thể tham gia vào một cuộc đối thoại, trước hết chúng ta cần nghe và hiểu được những gì người kia đang nói. Do đó, kỹ năng quan trọng nhất mà bạn cần làm chủ trước trước khi bắt đầu nói chuyện được bằng tiếng Anh là kỹ năng nghe. Hãy tập quen dần với những âm thanh tiếng Anh và đắm mình trong môi trường tiếng Anh bất cứ lúc nào có thể. Tuy nhiên, hiệu quả của một cuộc trò chuyện không chỉ phụ thuộc vào khả năng nghe, hiểu và nói trôi chảy của bạn mà nó còn liên quan đến cách bạn giao tiếp, ứng xử và mức độ bạn am hiểu về văn hoá của những đất nước nói tiếng Anh (Cultural Fluency). Ngôn ngữ là một phần của văn hoá. Nhiều khi những lời được người bản địa nói ra còn ẩn chứa rất nhiều hàm ý khác nhau khiến cho những người học tiếng Anh thấy bối rối. Đã bao giờ bạn xem một bộ phim hài Anh và tự hỏi câu nói đùa trong phim có gì đặc biệt mà khiến lắm người cười nắc nẻ? Hay, nếu có ai đó nói với bạn ‘to be or not to be”, liệu bạn có chắc rằng mình hiểu câu đó nghĩa là gì không nếu như bạn chưa từng một lần đọc/ xem vở kịch Hamlet?

Tất nhiên để có thể hiểu và tương tác bằng tiếng Anh một cách tự nhiên dù trong môi trường nào, bạn cần phải giao tiếp thật nhiều và có một lượng kiến thức đủ rộng về mặt văn hoá của những đất nước nói tiếng Anh. Một cách dễ hơn là hãy xem phim, chương trình truyền hình, đọc sách, nghe nhạc và tham gia các sự kiện/ lễ hội của những nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc, Canada,… Việc này sẽ giúp bạn làm quen dần với văn hoá giao tiếp của những người bản địa.

 >> Nguồn: ejoy-english.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét